Thể lệ Bài gửi

Mẫu bài viết/Article Template: Tiếng Anh - Tiếng Việt

1. Bài viết gửi Tạp chí Khoa học Ngôn ngữ và Văn hóa phải là bài trình bày kết quả nghiên cứu khoa học có chất lượng và tính mới trong lĩnh vực khoa học ngôn ngữ và văn hóa. Bài viết chưa được công bố ở bất kỳ ấn phẩm, tạp chí nào và không ở trong tình trạng đang được xem xét đăng ở tạp chí hay ấn phẩm khoa học nào. Tạp chí không gửi trả bài viết cho tác giả trong trường hợp bài không được chọn đăng.
2. Bài viết phải được soạn thảo trên file Word, dài không quá 12 trang (tính cả phần tài liệu tham khảo và phần phụ lục). Hình thức trình bày phải theo mẫu của Tạp chí: khổ giấy A4; kích thước lề trang: lề trên 2cm, lề dưới 2cm, lề trái 2cm, lề phải 2cm; phông chữ Times New Roman; cỡ chữ 11; khoảng cách dòng 1.15; khoảng cách giữa các đoạn: trước 6pt và sau 3pt.
3. Ngôn ngữ trong bài viết cần có văn phong khoa học; diễn đạt mạch lạc, rõ ràng, chính xác, cô đọng, súc tích và không sai chính tả. Nếu bài viết bằng tiếng Anh thì theo hệ chính tả của Hoa Kỳ (American English spelling). 
4. Bài viết phải nêu bật được những kết quả nghiên cứu của tác giả và phải theo cấu trúc của một bài báo khoa học bao gồm: phần tóm tắt, mở đầu, nội dung bao gồm cơ sở lý luận, kết quả nghiên cứu và thảo luận, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục (nếu có). 
4.1. Tên bài viết (Title): ngắn gọn, cô đọng phản ánh trực tiếp nội dung của bài viết, bằng tiếng Việt và tiếng Anh, có độ dài vừa phải không quá 15 từ, viết chữ in hoa, đậm, cỡ chữ 14, nằm giữa trang
4.2. Tóm tắt (Abstract): 1 tóm tắt bằng tiếng Việt và 1 tóm tắt bằng tiếng Anh, phản ánh nội dung cơ bản của bài báo, tối thiểu 120 từ và tối đa 150 từ, cỡ chữ 10, lề trái 1cm, lề phải 1cm, cách dòng 1.0 line. 
4.3. Từ khóa (Keywords): quan trọng đối với nội dung của bài viết, gồm 2 phần bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, tối đa 5 từ, đặt ở dưới phần tóm tắt.
5. Quy định trình bày bảng biểu, hình vẽ, ký hiệu, công thứcSố bảng biểu, hình vẽ, được đánh số thứ tự liên tục (từ số 1), tên bảng, biểu ngắn gọn, không quá 12 từ, nếu trích phải ghi nguồn rõ. Tên của bảng, biểu đặt trên bảng, biểu; tên của sơ đồ, hình đặt dưới sơ đồ, hình; cỡ chữ 10. Trong bài viết, khi tham chiếu bảng, biểu, sơ đồ, tác giả cần chỉ rõ số của bảng, biểu, sơ đồ đó (ví dụ Bảng 1), không sử dụng cụm từ như “hình trên” hay “bảng dưới đây”.
6. Trích dẫn trong bài viết theo hệ thống trích dẫn tác giả-năm xuất bản, phiên bản 7 của Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ (APA 7th Referencing style). Ngoài ra, Tạp chí có một số quy định thêm về trích dẫn các tác giả, công trình viết bằng tiếng Việt và các thứ tiếng không dùng hệ chữ Latin (Xem phụ lục 1).
7. Tài liệu tham khảo (References): Sắp xếp danh mục tài liệu tham khảo theo thứ tự ABC của họ tác giả (surname). Không đánh số thứ tự tài liệu tham khảo. (Xem phụ lục 1) 
8. Bài viết không sử dụng chú thích (footnote) và Lời cảm ơn.

QUY ĐỊNH VỀ TRÍCH DẪN

Tạp chí khoa học Ngôn ngữ và Văn hóa của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế sử dụng hệ thống trích dẫn tác giả-năm xuất bản, phiên bản 7 của Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ (APA 7th Referencing style).

Đối với các tác giả viết bài bằng tiếng Anh, có thể tham khảo hướng dẫn trực tiếp trên website của Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ.

Đối với các bài viết bằng tiếng Việt, Tạp chí có một số quy định thêm về trích dẫn các tác giả, công trình viết bằng tiếng Việt và các thứ tiếng không dùng hệ chữ Latin.

1. Trích dẫn trong bài báo

1.1 Quy ước chung

- Nếu nội dung được trích dẫn dưới hình thức nêu một ý tưởng nhưng KHÔNG trích nguyên văn, họ của tác giả và năm xuất bản sẽ xuất hiện ngay sau ý tưởng đó trong ngoặc đơn, cách nhau bằng dấu phẩy: (Jones, 1998); (Nguyễn Văn A, 2020).

- Nếu nội dung được trích dẫn nguyên văn, họ của tác giả, năm xuất bản và số trang được đặt ngay sau phần trích dẫn, cách nhau bằng dấu phẩy. Dùng ký hiệu viết tắt ‘tr.’ trước số trang: Nguyễn Văn A, 2020, tr. 15). Nếu nội dung xuất hiện trên nhiều trang, dùng dấu gạch ngang đơn (en dash) để nối: (Trần Văn B, 2015, tr. 75–77).

1.2 Chữ viết hoa, in nghiêng và trích nguyên văn

- Tên riêng (người, địa danh) phải viết hoa.

- Tiêu đề của nguồn (sách, báo cáo, phim) được nêu trong bài báo phải được in nghiêng và viết hoa các chữ cái đầu tiên từng từ trong tiêu đề: Writing News Media, Học Tốt Tiếng Anh, v.v.

- Nếu trong tiêu đề có từ nối, viết hoa cả hai từ được nối: Natural-Born Cyborgs.

1.3 Trích dẫn ngắn

Các trích dẫn ngắn được trình bày giữa hai dấu trích dẫn kép (“…”) và lồng vào trong nội dung bài báo. Có hai cách trình bày trích dẫn.

- Đưa tên tác giả và năm xuất bản vào câu dẫn nhập của trích dẫn:

Theo Jones (1998), “sinh viên thường gặp khó khăn trong việc sử dụng hệ thống trích dẫn APA” (tr. 199).

- Đưa tác giả, năm và số trang vào trong ngoặc đơn ngay sau trích dẫn:

Dù đã có hướng dẫn cụ thể, “sinh viên thường gặp khó khăn trong việc sử dụng hệ thống trích dẫn APA” (Jones, 1998, tr. 199).

1.4 Trích dẫn dài

Khi nội dung trích dẫn dài hơn 3 dòng (đối với tiếng Việt) người viết cần đưa tách nội dung trích dẫn thành một khối riêng (có định dạng khác định dạng bài báo) và không dùng dấu trích dẫn.

Phạm Hòa Hiệp và Tôn Nữ Như Hương (2007) kết luận:

Cho dù có trong tay một chương trình đào tạo tốt, việc thực hiện chương trình này sẽ không đem lại kết quả tốt nếu chúng ta không sử dụng những tài liệu giảng dạy tiên tiến. Thực tế cho thấy phương pháp đào tạo truyền thống mà trong đó các kỹ năng, kiến thức được truyền đạt từ thầy cô, giáo trình hay sách giáo khoa không thể cung cấp đủ cho sinh viên năng lực để bước vào nghề biên dịch (tr. 77).

1.5 Trích dẫn các nguồn không có số trang

Khi nội dung trích dẫn trực tiếp xuất phát từ các nguồn trực tuyến, không có số trang, người viết sẽ nêu một trong số yếu tố sau đây để xác định: số thứ tự của đoạn (ghi là “đoạn 1”), của chương (ghi là “ch. 1”), của bảng (ghi là “bảng 1”), hoặc hình minh họa (ghi là “hình 1”).

1.6 Cách trình bày tên tác giả và năm xuất bản trong trích dẫn

1.6.1 Trích dẫn một tác giả

Martins (2006) cho rằng …

… (Martins, 2006)

1.6.2 Trích dẫn hai tác giả

- Tên của cả hai tác giả được nêu trong trích dẫn. Nếu tên xuất hiện trong phần dẫn nhập giữa hai tên tác giả có từ “và”:

Công trình nghiên cứu của Martins và White (2005) đã chỉ ra rằng …

- Khi tên của hai tác giả đặt trong ngoặc đơn sau nội dung trích dẫn, tên của hai tác giả được nối bằng dấu ampersand (‘&’):

1.6.3 Trích dẫn ba tác giả trở lên

Khi công trình được trích dẫn có ba tác giả trở lên, chỉ nêu tên tác giả thứ nhất và cụm từ “và cộng sự” cùng với năm xuất bản:

Jones và cộng sự (2020)

Trong trường hợp có các nhóm nghiên cứu khác nhau có cùng tác giả thứ nhất, việc sử dụng cụm từ “[tác giả 1] và cộng sự” có thể gây nhầm lẫn, người viết phải có thể chọn các phương án sau:

- liệt kê hết các tác giả trong nhóm (nếu số lượng không quá 5 tác giả)

Jones, Smith, Liu, Huang và Kim (2020)

Jones, Smith, Ruiz, Wang và Stanton (2020)

- liệt kê đến tên của tác giả giúp phân biệt được 2 nhóm và thêm cụm từ “và cộng sự”:

Jones, Smith, Liu, và cộng sự (2020)

Jones, Smith, Ruiz, và cộng sự (2020)

1.6.4 Trích dẫn khuyết danh, khuyết năm

- Nếu một công trình không có tên tác giả, trích dẫn tên tiêu đề. Tiêu đề của sách, tài liệu báo cáo sẽ được in nghiêng; tên bài báo, chương sách hoặc trang web viết giữa dấu trích dẫn kép (“…”).

- Trong những trường hợp không xác định được tiêu đề, ghi “khuyết danh + năm xuất bản (nếu có)”.

- Trong trường hợp công trình không xác định được năm xuất bản, ghi khuyết năm (hoặc viết tắt “k.n.” sau tên tác giả).

1.6.5 Trích dẫn tên tổ chức dưới danh nghĩa tác giả

Nếu tác giả là một tổ chức hoặc cơ quan chính quyền, nêu tên đầy đủ của tổ chức đó trong phần dẫn nhập hoặc trong ngoặc cho lần đầu tiên trích dẫn, kèm theo quy ước viết tắt trong văn bản trong ngoặc vuông và dùng cụm viết tắt này cho những lần trích dẫn sau.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam [Hội LHPHVN] (2022), …

(Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam [Hội LHPNVN], 2022)

1.6.6 Trích dẫn hai hoặc nhiều nguồn cùng lúc

Trong trường hợp trích dẫn cùng lúc 2 hoặc nhiều công trình, chỉ áp dụng hình thức trong ngoặc đơn, không đưa hết các công trình vào lời dẫn. Các công trình được sắp xếp theo thứ tự ABC tên tác giả và được tách với nhau bằng dấu chấm phẩy.

(Berndt, 2002; Harlow, 1983)

1.6.7 Trích dẫn tác giả có cùng họ

Khi trích dẫn các tác giả (phương Tây) có cùng họ, để tránh nhầm lẫn người viết dùng thêm chữ viết tắt tên riêng:

(E. Johnson, 2001; L. Johnson, 1998)

1.6.8 Trích dẫn tác giả có nhiều công trình công bố cùng năm

Khi trích dẫn các công trình của cùng tác giả công bố cùng thời gian, người viết dùng thêm a, b, c, … (chữ viết thường) sau năm xuất bản (lưu ý thứ tự phải nhất quán với danh mục tham khảo).

Goddard (2004a); Goddard (2004b)

1.6.9 Trích dẫn gián tiếp

Tạp chí khuyến khích người viết bài đọc nguồn tham khảo trực tiếp. Tuy nhiên, nếu không thể tiếp cận nguồn trích dẫn trực tiếp, người viết có thể trích dẫn gián tiếp thông qua một tác giả khác. Trong trường hợp này, nêu nguồn tham khảo gốc trước và nguồn thứ cấp sau, dùng “như đã trích dẫn trong …”)

Johnson (1985) cho rằng ...  (như đã trích dẫn trong Smith, 2003).

(Johnson, 1985, như đã trích dẫn trong Smith, 2003).

Lưu ý: các nguồn điện tử cũng được trích dẫn giống như cách trình bày các nguồn bằng bản in.

1.6.10 Trích dẫn tác giả Việt Nam

Có hai trường hợp:

- Nếu tác giả là người Việt Nam, nhưng xuất bản quốc tế và ghi tên tác giả theo quy ước quốc tế (không có dấu), người viết trích dẫn như các tác giả phương Tây.

- Nếu tác giả là người Việt Nam và xuất bản bằng tiếng Việt, có đầy đủ tên họ, người viết dùng đầy đủ tên họ của tác giả trong trích dẫn.

Đối với tác giả người Việt trùng họ tên, để tránh nhầm lẫn người viết dùng thêm chữ cái A, B, C … và đặt trong ngoặc vuông:

Nguyễn Lan Anh [A] (2002); Nguyễn Lan Anh [B] (2016)

Lưu ý: các ký hiệu này phải nhất quán trong bài viết với danh mục tham khảo.

1.6.11 Trích dẫn tác giả thuộc các ngôn ngữ không dùng hệ chữ Latin

Đối với các tác giả Nga, Hàn, Nhật, Trung Quốc, v.v. người viết cần trích dẫn bằng tên phiên âm hệ chữ Latin trong bài viết. Trong danh mục tham khảo dùng thêm tên được viết bằng ngôn ngữ nguồn trong ngoặc vuông.

Ví dụ: София Ротару viết thành Sofia Rotaru (trong bài viết) và Rotaru, S. [София Ротару]

1.7 Cách trình bày danh mục tham khảo

1.7.1 Quy tắc chung

- Tất cả các dòng sau dòng đầu tiên của mỗi mục trong danh mục tham khảo phải được thụt vào 0.5 inch (= 1.27 cm) tính từ lề trái.

- Tất cả các tác giả trình bày theo họ. Tên và đệm của tác giả nên viết tắt. Ví dụ: tác giả Jane Marie Smith viết sẽ bắt đầu bằng “Smith, J. M.”

- Liệt kê họ và tên viết tắt/tên đệm cho tất cả các tác giả của một công trình cụ thể, bao gồm đến 20 tác giả (đây là một quy tắc mới, vì APA 6 chỉ yêu cầu sáu tác giả đầu tiên). Tách tên viết tắt của các tác giả với tác giả tiếp theo trong danh sách bằng dấu phẩy. Sử dụng dấu ampersand (&) trước tên tác giả cuối cùng. Nếu có từ 21 tác giả trở lên, dụng dấu chấm lửng (nhưng không có dấu &) sau tác giả thứ 19, rồi thêm tên của tác giả cuối cùng.

- Danh mục tham khảo phải được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái theo họ của tác giả đầu tiên của mỗi công trình.

- Đối với tác giả có nhiều công trình, liệt kê các mục theo thứ tự thời gian, từ sớm nhất đến gần đây nhất.

- Đối với tên sách, chương, bài báo, báo cáo, trang web hoặc các nguồn khác, chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên của từ đầu tiên của tiêu đề và tiêu phụ đề, từ đầu tiên sau dấu hai chấm hoặc dấu gạch ngang trong tiêu đề, và danh từ riêng.

- In nghiêng tiêu đề của các công trình như sách, tuyển tập, tên báo, v.v. Không in nghiêng, gạch chân hoặc đặt dấu ngoặc kép xung quanh tiêu đề của các bài báo, chương sách hoặc tiểu luận trong các tuyển tập.

1.7.2 Quy tắc cụ thể

1.7.2.1 Bài báo trên các tạp chí khoa học

Họ 1, tên 1 (viết tắt nếu tên nước ngoài), Họ 2, tên 2, & Họ 3, tên 3. (năm XB). Tiêu đề bài báo. Tên tạp chí, Tập (số), trang. DOI/URL (DOI hoặc URL chỉ áp dụng cho tạp chí điện tử)

Scruton, R. (1996). The eclipse of listening. The New Criterion, 15(3), 5–13.

Baniya, S., & Weech, S. (2019). Data and experience design: Negotiating community-oriented digital research with service-learning. Purdue Journal of Service-Learning and International Engagement, 6(1), 11–16. https://doi.org/10.5703/1288284316979

Nguyễn Thị Hồng Minh, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Ngọc Lan, (2019). Nghiên cứu việc sử dụng ngôn ngữ đích trong lớp học của giáo viên tiếng Anh cấp Tiểu học ở thành phố Sông Công. Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Thái Nguyên, 93-100.

1.7.2.2 Bài báo trên các ấn bản truyền thông

Họ, tên (viết tắt nếu tên nước ngoài). (năm, [ngày] tháng). Tiêu đề bài báo. Tên ấn bản truyền thông, Số, trang (nếu ấn bản in ). DOI/URL (DOI hoặc URL nếu ấn bản điện tử)

Ví dụ:

Peterzell, J. (1990, April). Better late than never. Time, 135(17), 20–21.

1.7.2.3 Sách

Họ, tên (viết tắt nếu tên nước ngoài). (năm)Tiêu đề sách: Chữ cái đầu trong của tiêu đề phụ cũng viết hoa. Tên nhà xuất bản. DOI (nếu có)

Ví dụ:

Stoneman, R. (2008). Alexander the Great: A life in legend. Yale University Press.

Nếu là sách biên tập

Họ , tên (viết tắt nếu tên nước ngoài) (Ed.). (năm)Tiêu đề sách: Chữ cái đầu trong của tiêu đề phụ cũng viết hoa. Tên nhà xuất bản. DOI (nếu có)

Nếu là sách dịch

Họ, tên tác giả (viết tắt nếu tên nước ngoài). (năm)Tiêu đề sách dịch: Chữ cái đầu trong của tiêu đề phụ cũng viết hoa (Họ tên dịch giả, Trans.). Tên nhà xuất bản. (Sách nguyên bản được XB (năm)). DOI (nếu có)

Nếu là sách tái bản

Họ, tên (viết tắt nếu tên nước ngoài). (năm)Tiêu đề sách: Chữ cái đầu trong của tiêu đề phụ cũng viết hoa (tái bản lần thứ #). Tên nhà xuất bản. DOI (nếu có)

1.7.2.4 Luận án/Luận văn (chưa xuất bản thành sách)

Họ, tên (viết tắt nếu tên nước ngoài). (năm)Tiêu đề luận án/luận văn [Luận án Tiến sĩ/Luận văn Thạc sĩ]. Tên cơ sở đào tạo cấp bằng.

1.7.2.5 Kỷ yếu Hội thảo

Họ, tên các tác giả biên tập (viết tắt nếu tên nước ngoài) (Eds.) (năm)Kỷ yếu Hội thảo … Nhà xuất bản. URL (nếu có).

Ví dụ:

Nhiều tác giả (2022). Kỷ yếu Hội thảo liên ngành Ngôn ngữ và Giảng dạy ngông ngữ lần thứ VIII. NXB Đại học Huế.

1.7.2.6 Các trang điện tử

Nếu bài viết có tác giả

Họ, tên tác giả. (năm, [ngày] tháng)Tiêu đề bài viết. Tên trang điện tử. URL.

Nếu bài viết không có tác giả

Tên bài viết. (năm, [ngày] tháng). Tên trang điện tử. Truy cập [ngày, tháng, năm] từ URL.

Chi tiết Thể lệ bài viết và Quy định về trích dẫn 

Mẫu bài viết/Article TemplateTiếng Anh - Tiếng Việt